Nghệ thuật cảm nhận và bình một bài thơ

Chúng ta thường quên tự hỏi mình mỗi ngày ”mình đã suy nghĩ gì khi cảm nhận và bình thơ người khác” Đây không phải là việc làm vu vơ mà là sự cần thiết trong giao lưu thơ hằng ngày của mỗi chúng ta.
Điều nầy rất đơn giản đối với người chơi thơ sành, nhưng sẽ lúng túng và sượng với người mới làm quen nghiệp thơ khi phải tự hỏi và trả lời câu hỏi ấy. Mình mạo muội có đôi điều tâm sự và mách nước cho các bạn mong góp phần giải quyết vấn đề nầy, cũng nhằm tạo thêm màu sắc nhân Ngày Thơ Việt Nam.

Nghệ thuật cảm nhận và bình một bài thơ

Xem thêm:
Tản mạn về kỹ năng chơi Thơ Lục Bát
Tản mạn về Ngũ Độ Thanh (thơ Luật Đường)

NGHỆ THUẬT CẢM NHẬN

Cảm nhận thơ là nhu cầu tối thiểu của bạn yêu thơ, việc nầy đòi hỏi ta phải đối mặt hằng ngày nên bạn nào cũng có sở trường của mình. Tuy nhiên qua nghiên cứu mình nhận thấy còn không ít bạn sở trường, sở đoản đan xen nhau, dẫn đến bình luận thơ chưa chính xác. Từ ấy mối quan hệ giao lưu thơ có khoảng cách, chưa tạo sự hài hòa. Mình xin gợi ý vài khía cạnh trong kỹ năng cảm nhận từ một vài giả thiết dưới đây để các bạn tham khảo:

Khi ta đọc bài thơ chứa đựng lời thơ buồn, nhớ quê hương, ta có thể cảm nhận là tác giả đang ao ước được sống quay về vui đùa những ngày thơ ấu. Được cùng chúng bạn cắp sách đến trường, tái hiện phút giây sống trong vòng tay của cha, mẹ. Mặc khác, dù có hay không ý của tác giả, chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng của nó, có thể ý thơ đang nhủ: làm người phải yêu nguồn cội, nơi có lũy tre, con đò, bến nước; nơi chôn chặt biết bao kỷ niệm dấu yêu; nơi mà không có nó sẽ không có ta…

Khi lời thơ đau khổ, tan vỡ, tuyệt vọng vì tình phụ bạc… là khi ấy tác giả đang chán ngán nhân tình và muốn được bình yên…, lúc đó ta có thể hiểu rằng: tác giả đang sống thật với con tim, cần được một con người thật sự hòa hợp, chung thủy để chia sẻ vui buồn, để cùng dìu dắt nhau trong cuộc sống. Từ cảm nhận ta suy ra, ý thơ phát thông điệp: Hãy chính chắn khi lựa chọn yêu và đừng bao giờ ai phụ bạc ai, hãy yêu thương nhau chân thành, đừng rời xa mà hãy nắm tay dìu nhau đến lâu đại hạnh phúc…

Khi lời thơ than thở thói đời đen bạc, bất công, lòng người bất nhân, bất nghĩa, bất đạo… thì chúng ta hiểu rằng tác giả đã từng nếm trải, chứng kiến, đối mặt với thế thái nhân tình…Từ đây ta có thể hiểu thêm ý thơ muốn nói mọi người hãy sống đẹp để cùng góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng, bác ái, để chung tay xây dựng một xã hội hài hòa…

Khi lời thơ tái hiện dĩ vãng chua cay, mặn đắng, hờn trách, bội bạc… chính là lúc tác giả đang khao khát thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy. Lúc đó ta có thể hiểu, ý thơ muốn nhủ đời: Hãy sống ngọt ngào, yêu thương & thủy chung”…

Ngược lại, khi chúng ta đọc những bài thơ vui, lãng mạn yêu người, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu trăng hoa… tùy theo liều nội dung ý thơ ta có thể suy đoán: tâm trạng tác giả là người lạc quan, giàu cảm xúc, đa tình; có thể là người viên mãn, thành đạt một lĩnh vực nào đó; những người không màng thế sự, lợi danh; hay những người đã hoàn thành sứ mệnh làm người của họ đang hòa thú điền viên… Tình huống nầy ta có thể suy luận ý thơ nhủ đời: Đừng uổng phí cuộc đời dù chỉ một ngày, một năm…Đừng học thói đua đòi, lêu lõng, mà nên thỏa mãn an phận với những gì đã có, hãy thương yêu nhau bằng con tim và tấm lòng chân thật; hãy hòa nhập vào thiên nhiên để hưởng sự an nhàn, tự tại mà tạo hóa đã ban cho con người.

Tuy nhiên, trong cuộc sống thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp những tác giả và tác phẩm vui, nhưng khi thâm nhập sâu vào ý thơ chỉ là sự vẽ vời gượng gạo nhằm che dấu những hẩng hụt về nội tâm để tâm hồn họ dễ hòa nhập vào cộng đồng. Trường hợp nầy nếu ta tế nhị mới thấu đáo và phải liều lượng hơn khi cảm nhận và bình thơ của họ…Đây chỉ là phương pháp đời thường và nghệ thuật cơ bản của người yêu thơ để cảm nhận thơ hay để bình thơ và từ đây có thể vận dụng vào sáng tác…

Ngoài ra chúng chúng ta cần hiểu thêm, thơ là nghệ thuật dụng chữ, nên khi chưa thấu đáo thì không nên quy nạp thô thiển, thí dụ tác giả diễn tả xã hội thời nay bằng một câu thơ: “Thời nay nhân nghĩa rẻ hơn bèo”… Ta có thể hiểu tác giả nói mặt trái của cuộc sống, của một phận người chứ không phải nói cả xã hội. Từ cảm nhận đúng chúng ta mới thấy thơ là nghệ thuật của chữ nghĩa.

CẢM NHẬN & BÌNH THƠ

Để cảm nhận và bình thơ được khách quan đòi hỏi ta phải dùng trực giác để nhìn một cách thấu đáo bài thơ mà ta muốn bình. Muốn đạt được điều đó ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần, khi đã cảm nhận được tứ thơ, hiểu rõ nghĩa của các từ ngữ, ý định của tác giả bài thơ thì ta mới viết lời bình. Động thái nầy không những giúp ta làm quen với nghệ thuật bình thơ mà còn khơi mở, khai thác tinh túy của thơ, khuyến khích người sáng tác. Chúng ta luôn nhớ: Thông thường người sáng tác đi từ cảm xúc, suy luận mới cho ra sản phẩm nghệ thuật, còn bình thơ thì ngược lai, là dựa vào phương pháp trực quan, suy luận mới cho lời bình; và nhớ rằng người chơi thơ sành bao giờ họ cũng dùng phương pháp “nhân hóa” để gieo lại cảm xúc cho người đọc, nên khi xem xét, cảm nhận đừng bao giờ bỏ quên nghĩa bóng của bài thơ, có như vậy ta mới cảm nhận đúng và bình luận khách quan hơn.

Theo phương pháp nầy, sẽ tạo ra cách nhìn thấu đáo hơn khi cảm nhận và bình luận, không sợ chệch hướng ý thơ, làm triệt tiêu tài năng. Bình luận phản ánh đúng tâm trạng tác giả là khơi dậy nhân tố cho cả Thơ và tác giả. Khi nắm vững được phương pháp “Từ cảm nhận đến bình” sẽ giúp hoạt động sáng tác thơ năng động và thú vị hơn, (bởi tôi sáng tác thơ là cho người khác cảm nhận, bình luận chứ không phải viết thơ cho tôi đọc). Đây chỉ là khía cạnh trong vô vàn điều chất chứa trong thơ…và chỉ phục vụ bạn mới chơi thơ, nếu các bạn sành thơ đọc có gì còn thiếu sót mong được thứ lỗi.

Trọng Ưu Huỳnh
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Scroll to Top